THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)

Thư  Gửi  Ông  Sinnett (tt)    

The Mahatma Letters to A.P. Sinnett

 

 Xem Bài Số Trước

Cùng lúc ấy, chúng hằng làm việc không ngừng để chuẩn bị cái khuôn trừu tượng, ’sự giới hạn’ của thực thể mới. Hãy xem, nếu người 40 tuổi hoặc được hưởng hay phải đau khổ vì hành động của người 20 tuổi là chuyện công bằng, thì chuyện cũng công bằng khi thực thể mới sinh ra, hoàn toàn y hệt với thực thể trước vì họ là hệ quả và là sáng tạo từ đó mà ra, phải nhận lấy hệ quả của cái Ngã hay cá tính sinh nó ra. Luật tây phương của bạn trừng phạt người con vô tội của người cha phạm tội qua việc khiến anh không có cha, mất quyền hạn và tài sản; xã hội văn minh của bạn làm cô gái vô tội bị tai tiếng khi có bà mẹ vô đạo đức, tội phạm; giáo hội Thiên Chúa giáo và kinh thánh của bạn dạy rằng ‘Thượng đế phạt tội lỗi của cha đến ba bốn đời con cháu’, không phải chúng không công bình và tàn nhẫn hơn những gì Karma làm ư?
Thay vì trừng phạt người vô tội cùng với người có tội, Karma trừng phạt và thưởng kẻ trước, điều mà ba quyền lực tây phương nói ở trên không hề nghĩ ra để làm. Nhưng về mặt sinh lý ai phản đối có thể nói rằng chỉ có thân xác thay đổi, chỉ có sự biến hóa của phân tử, là điều chẳng liên quan gì đến sự tiến hóa của trí tuệ, và rằng các uẩn tượng trưng chẳng những các đặc tính về vật chất mà luôn cả trí não và đạo đức. Tuy nhiên tôi xin hỏi có gì, một cảm giác, ý tưởng trừu tượng, khuynh hướng của tâm trí, hay khả năng trí tuệ, mà ta có thể gọi là hiện tượng tuyệt đối không là phân tử ? Có thể nào ngay cả một cảm giác hay tư tưởng trừu tượng nhất, là một cái gì đó sinh ra từ cái không, hay nó chẳng là gì hết ?
Nào, các nguyên nhân sinh ra thực thể mới và ấn định tính chất của Karma là, như đã nói, Trishna hay lòng ham sống và Upadana sự thỏa dục, việc thực hiện ham muốn ấy. Đồng cốt giúp gợi nên và làm phát triển  cả hai điều này nơi vong linh ai tự tử hay chết vì tai nạn. Luật nói rằng ai chết tự nhiên sẽ ở trong cõi Kama-loka (trong vòng thu hút của địa cầu) từ vài giờ đến vài năm ngắn. Nhưng ai tự tử hay chết dữ là trường hợp ngoại lệ, vậy ai lẽ ra sống 80 hay 90 năm mà tự hủy mình hay chết vì tai nạn giả dụ lúc 20 tuổi, sẽ phải ở trong Kama-loka không chỉ ‘vài năm’ mà trong trường hợp này là 60 hay 70 năm, như là vong linh chưa siêu thoát, vẩn vơ nơi dương thế vì bất hạnh thay cho họ, họ cũng không phải là vỏ.
So sánh thì linh hồn nào ngủ giấc dài, sống trong mộng  thật may mắn, ba lần may mắn hơn. Và bất hạnh thay cho ai mà Trishna thu hút họ tới đồng cốt, và bất hạnh thay cho kẻ sau, ai quyến rũ họ với sự mãn nguyện dễ dàng như thế. Vì khi nắm lấy cơ hội đó và thỏa lòng ham sống của họ là đồng cốt giúp làm nẩy nở trong lòng họ, hay đúng hơn đồng cốt là nguyên nhân của - một loạt các uẩn mới, thân xác mới với khuynh hướng và đam mê tệ hơn trước, chẳng những bởi Karma của lầm lỡ do loạt uẩn trước gây ra, mà còn từ loạt uẩn của con người tương lai.
Nếu đồng cốt và ai theo thông linh học (Spiritualism) biết rằng mừng rỡ đón tiếp mỗi ‘xác Cậu’, ‘xác Cô’ là khuyến dụ kẻ sau vào việc thỏa mãn dục vọng, với điều này làm sinh ra một loạt bao điều xấu cho linh hồn sẽ sinh ra trong ảnh hưởng ghê gớm đó, và với mỗi buổi cầu hồn - nhất là có hiện hình - là họ tăng bội nguyên nhân gây khổ nàn, nguyên nhân sẽ làm linh hồn không may bị thất bại về phần tinh thần khi tái sinh, hay tái sinh vào đời còn tệ hơn trước, hẳn họ sẽ bớt hân hoan chào đón những linh hồn này.
Nay hẳn bạn hiểu vì sao chúng tôi chống đối mạnh mẽ chủ trương Thông linh học và việc đồng cốt.Và bạn cũng sẽ thấy vì sao tôi gặp rắc rối với đức Văn Minh (Chohan hay Maha-Chohan).Ngài không hài lòng là tôi đã để cho anh Eglinton tin hình bóng đó là tôi.Ngài cho phép có bằng chứng về quyền năng nơi người sống trưng cho một đồng cốt của Thông linh học; và để cho chúng tôi sắp xếp sự việc cùng chi tiết; vì thế ngài không vui với vài hệ quả nhỏ. Tôi nói, này bạn thân, để bạn biết rằng tự do mà tôi có để làm công chuyện thì còn ít hơn bạn có đối với tờ Pioneer (ông Sinnett là chủ bút tờ báo này). Không ai trong chúng tôi ngoại trừ những Vị cao cả nhất được hoàn toàn làm theo ý mình. Nhưng tôi đã đi lạc đề.
… Chúng tôi không chống lại chủ trương Thông linh học chân thật, mà chỉ chống lại việc ngồi đồng không phân biệt và nhất là chuyện hiện hình và nhập xác. Phải chi người theo Thông linh học được làm cho hiểu sự khác biệt giữa tính cá biệt (individuality) và cá tính (personality), giữa sự bất tử của linh hồn và của phàm ngã cùng vài chân lý khác, hẳn ta dễ thuyết phục họ rằng Huyền bí gia tin vào sự bất tử của linh hồn mà bác bỏ sự bất tử của phàm ngã; và cũng mạnh mẽ tin vào chuyện liên lạc và trò chuyện với linh hồn ai quá vãng trong cõi Rupa-loka, và họ đã thực hiện điều ấy..; và cuối cùng việc Huyền bí gia và hội viên TTH là người đích thực theo Thông linh học, trong khi phái này hiện thời chỉ gồm người muốn thấy hiện tượng vật chất.

Đoạn cuối thư ngài nói về lý do hiểu biết được trao cho hai ông, và cách sử dụng nó.
“Nay theo tôi biết, bạn và ông Hume nhận được hiểu biết về triết lý bí truyềnnhiều hơn ai chưa phải là bậc đạo đồ đã nhận được. Óc nhận xét của bạn hẳn đã thấy từ lâu là việc ấy có không phải vì đức hạnh chung của hai bạn, hay do lòng quí mến riêng của tôi với bạn nào, mà vì các lý do thấy rõ khác. Trong số tất cả các đệ tử bán phần của chúng tôi, hai bạn là người có nhiều triển vọng sử dụng hiểu biết đã nhận cho lợi ích của đa số. Bạn phải xem chúng như là được tin cẩn giao phó vì lợi ích của trọn Hội, để chuyển giao cho kẻ khác, và sử dụng theo nhiều cách và tất cả những cách nào tốt lành.
… Các trang thư gần đây của tôi cho thấy tôi không  rảnh cho lắm. Chúng có bôi xóa, chắp nối và sửa chữa, chứng tỏ rằng chỉ thỉnh thoảng tôi mới có giờ rảnh, mà bị gián đoạn luôn và thư chỉ được viết ở đủ chỗ này hay kia, với vật liệu mà tôi có thể tìm ra. Nếu không vì Luật cấm chúng tôi không được dùng một gram quyền lực cho tới khi tất cả những cách bình thường đã thử mà không  xong, hẳn tôi có thể gửi bạn lá thư dễ coi bằng cách ‘kết tụ’ (precipitation), nhưng tôi tự an ủi về bề ngoài không dễ coi của thư tôi, với ý nghĩ là bạn không vì thế mà bớt quí chuộng chúng … Như phu nhân của bạn có lần tốt bụng nhận xét rằng các sơ suất ấy khiến thư không có vẻ gì là có phép lạ, và làm chúng tôi như là người, khiến người ta dễ nghĩ về chúng tôi hơn; ấy là suy xét khôn ngoan mà tôi xin tạ ơn bà.
HPB đang tuyệt vọng, đức Văn Minh không cho phép đức M. năm nay để bà đi xa hơn Black Rock, và đức M thản nhiên kêu bà cất valise. Xin bạn hãy an ủi bà nếu được … Damodar sắp xếp hành lý để đi Poona một tháng; sự khắc khổ dại dột và làm việc quá sức của anh đã làm thể xác suy sụp. Tôi sẽ phải trông chừng anh và không chừng phải đem anh đi nếu cùng quá phải vậy.
Tới đây tôi có thể cho bạn một ít chi tiết đối với câu hỏi hay được thảo luận, về việc chúng tôi cho phép có hiện tượng. Chiến dịch Ai Cập của nước bạn sinh ra nhiều hệ quả tại chỗ cho nhóm các Huyền bí gia còn ngụ nơi đó, và cho những gì mà các ngài đang canh giữ, nên hai trong số các đạo sư của chúng tôi đã có mặt ở đó, hợp với nhóm huynh đệ Druze, và ba vị nữa đang trên đường tới chỗ … Lực của chúng tôi được trữ để dành cho điều khẩn cấp lớn lao như thế nên do vậy, chúng tôi không dám phung phí nó vào việc không cần.
Khoảng một tuần nữa tôi sẽ bận rộn ngày đêm, sáng trưa chiều. Đôi lúc tôi có tiếc nuối thoảng qua là sao đức Văn Minh không  định cho chúng tôi có giờ rảnh một chút. Ô, để cuối cùng được nghỉ ngơi !vì đó là Niết bàn … con người ao ước biết bao sự Nghỉ Ngơi mãi mãi !”
Thư soi sáng nhiều điều mà cùng lúc làm người đọc nẩy sinh vài thắc mắc. Có một điều ta biết chắc là ta phải tự mình tìm giải đáp cho các thắc mắc này.

Thư 69  
Không có ngày nhận, tuy nhiên vì Chân sư trả lời những câu hỏi của ông Sinnett phát xuất từ thư về cõi Devachan, nên hẳn là thư này phải theo sau thư ấy.

“Tôi rất vui lòng, hỡi người 'học trò' của tôi, là bạn đã viết cho tôi như đã đề nghị mỗi khi bạn có hay không có câu hỏi đặc biệt nào muốn hỏi tôi. Do tình trạng sức khỏe hiện giờ của mình, bạn không thể nào đem về não bộ phàm trần tâm thức ở những cõi cao, nhưng xin nhớ rằng cảm giác tươi tỉnh trở lại về từ lực không phải là thước đo chính xác về lợi ích tinh thần, và bạn có thể còn đạt được tiến bộ tinh thần to tát hơn trong khi sự phát triển tâm linh của bạn dường như đứng yên một chỗ.

Giờ xin trả lời những câu hỏi của bạn.  
1. Theo chỉ dạy bí truyền, những chữ 'Brahma', 'Pitri' và 'Deva' loka là trạng thái tâm thức thuộc về các tầng lớp Dhyani và Pitri (các Vị tạo tác và tổ tiên của nhân loại), và của Deva (thiên thần. Có những Vị vượt xa con người về mặt tinh thần, mà cũng có những kẻ trong hàng ngũ thiên thần đang trên đường đi xuống của cuộc tiến hóa, và chỉ đạt tới trình độ của người trong một Manvantara tương lai.) Về mặt công truyền những loka này tượng trưng cho Nirvana (Niết Bàn), Devachan và cõi tình cảm.Hai chữ Devachan và Deva-loka có nghĩa như nhau; 'chan''loka’ đều cùng chỉ về chỗ hay nơi cư ngụ.'Deva' là chữ bị dùng bừa bãi trong sách vở đông phương, và đôi lúc chỉ chữ để che đậy.

2. Bạn nói đúng khi bàn về hai chữ 'Hiểu biết Thực' và 'Nguyên Do Thực’ trong câu trích về cõi cao nhất của sự giác ngộ tinh thần… Bóng Tối Tuyệt đối cũng là Sự Sáng Tuyệt đối; Hiểu biết Thực nói ở đây thì không phải là một trạng thái trí tuệ mà là tinh thần, hàm ý sự hòa hợp trọn vẹn giữa người hiểu biết và đối tượng được hiểu biết. Tôi mong những câu trả lời ngắn ngủi này có thể mang lại sự sáng mà bạn cần cho những điểm trên.”
 Với thiện chí chân thật.

K. H.

Thư 70 A, B và C. Nhận vào tháng 8 - 1882.
Ta xét chung ba thư này với nhau, thư 70 A là của ông Hume gửi cho Chân sư, thư 70 B là của ông Sinnett gửi cho HPB, và thư 70 C là của Chân sư trả lời hai thư A và B. Ta sẽ chỉ tóm tắt phần trả lời trong thư 70 C, và không nhắc tới những phần có tính cách chuyên môn cần xem kỹ các chi tiết trong thư. Nếu thuận tiện xin mời bạn làm vậy.

Đa số những ai mà bạn có thể gọi là ứng viên cho cõi Devachan, chết đi và tái sinh vào Kama Loka ‘mà không có hồi ức’; tuy (và cũng vì) họ sẽ có lại một chút hồi ức khi vào Devachan. Ta cũng không thể gọi đó hồi ức trọn vẹn mà chỉ là một phần. Bạn khó mà có thể gọi là ‘hồi ức’ một giấc mơ của mình; vài cảnh trí nào đó, trong vòng giới hạn chật hẹp chỉ gồm vài người mà bạn yêu thương nhất với tình thương không mai một, cái cảm tình thánh thiện duy nhất được tồn tại và - không nhớ chút gì về chuyện nào khác hay cảnh tượng, phải chăng ?
Tình thươnglòng thù ghét là hai cảm tình duy nhất bất tử, hai điều duy nhất còn tồn tại sau khi thế giới hiện tượng mất đi. Hãy tưởng tượng bạn ở trong Devachan với những ai mà bạn đã thương yêu với tình thương bất tử như vậy; với khung cảnh mờ ảo, quen thuộc liên kết với họ làm nền phía sau, và tất cả những gì khác liên quan tới đời sống nội tâm của bạn, xã hội, chính trị, văn chương và giao tiếp chỉ là sự trống không hoàn toàn. Khi ấy, trong sự hiện hữu tinh thần như thế thuần bằng tâm thức, có hạnh phúc không pha trộn tỉ lệ với cường độ của những cảm tình tạo ra chúng, kéo dài từ vài năm đến mấy ngàn năm; hãy gọi chúng là ‘hồi ức cá nhân của A. P. Sinnett’ nếu muốn.
Bạn có thể nghĩ ‘Đơn điệu chán chết !’ Tôi xin trả lời ‘Không chút nào đâu !’. Có khi nào bạn thấy đơn điệu hồi đóbây giờ lúc cảm nhận sự an lạc cao nhất chưa hề biết trước đây ?Hẳn nhiên là không.Thì chuyện cũng không khác gì hơn khi bạn kinh nghiệm ở đây, trong đoạn đường xuyên qua cõi Vĩnh Cửu mà triệu năm nơi ấy dài không hơn một giây. Ở đó, khi không có tâm thức của thế giới bên ngoài thì không có phân biệt nào để đánh dấu sự khác biệt, nên không có cảm nhận về sự đối chọi giữa đơn điệu và đa dạng; tóm tắt là không có chi ngoài cảm tình bất tử về lòng thương yêu và thu hút do thiện cảm; hạt giống của chúng được gieo nơi thể trí, cây nở hoa sum suê bên trong và chung quanh thể tình cảm, nhưng rễ của nó ăn sâu vào bồ đề tâm nếu vượt qua được phần thấp kém.
Nay tôi xin đề nghị là một công hai chuyện, trả lời câu hỏi của bạn và ông Hume cùng lúc.Xin hai bạn hãy nhớ là chúng ta tạo ra cõi Devachan cũng như là cõi A Tỳ (Avitchi) của mình khi sống nơi cõi thế, và nhiều phần là trong những ngày về sau và ngay cả trong những lúc sống đời tình cảm và trí tuệ của ta. Cái cảm giác mạnh nhất trong ta vào giờ phút tột bực nhất, khi, như trong giấc mơ, những sự việc của một đời dài, rõ từng chi tiết nhỏ bé nhất, diễn ra theo thứ tự chặt chẽ nhất trước mắt ta chỉ trong vài giây; cảm giác ấy trở thành điều sắp đặt họa hay phước cho ta, là nguyên lý sống cho kiếp tương lai của ta.
Cảm giác ấy không phải là một thực thể rõ ràng mà chỉ là một sự hiện hữu đang có và trong chốc lát, mà sự dài ngắn không có ý nghĩa hay ảnh hưởng gì đến sự hiện hữu của nó, và sự hiện hữu này tới phiên nó sẽ tan biến không còn. Cái hồi ức đúng đắn trọn vẹn của những kiếp của ta chỉ đến vào cuối chu kỳ nhỏ mà không đến trước đó. Trong Kama Loka ai còn giữ được hồi ức sẽ không vui hưởng nó vào giờ phút tột cùng của việc hồi nhớ. Ai mà biết là mình chết trong thể xác thì chỉ có thể là bậc đạo sư hay phù thủy; và hai hạng người này là ngoại lệ cho luật chung. Cả hai đã làm việc chung với thiên nhiên, người trước làm lành người sau làm ác cho việc tạo hình của thiên nhiên, và trong việc hủy hoại đó họ là những người duy nhất có thể được gọi là bất tử, hẳn nhiên theo nghĩa kinh Kabala và bí truyền.
Sự bất tử trọn vẹn hay đúng thực, có nghĩa sự hiện hữu có cảm thức vô giới hạn, không thể có gián đoạn hay ngưng nghỉ, không có việc chặn đứng tâm thức cái Ngã. Và ngay cả vỏ của những ai tốt lành, chúng chỉ nhớ lại và có ý thức chỉ sau khi nguyên lý sáu (Buddhi Bồ Đề tâm) và bẩy (Atma) và tinh hoa của nguyên lý năm (Thượng trí – điều cung cấp dữ kiện cần thiết cho việc nhớ lại trong Devachan) đã vào Devachan, mà không phải trước đó. Ngay cả ai tự tử và ai thiệt mạng với cái chết dữ dằn, ngay cả trong trường hợp ấy, tâm thức cần thời gian để có trọng tâm mới, có ‘nhận biết đúng đắn’ khác với ‘cảm xúc đúng đắn’.
Như thế, khi con người qua đời cái trí mất ý thức và quên hết mọi hồi ức về chuyện  bên trong cũng như bên ngoài. Dù họ ở cõi Kama Loka vài giờ, tháng hay năm, dù họ chết vì nguyên do tự nhiên hay dữ dằn, chết trẻ hay vì tuổi già, và cho dù ấy là linh hồn tốt lành, xấu hay trung bình, tâm thức của họ rút khỏi thân xác đột ngột như ngọn lửa biến mất khỏi tim đèn khi ngọn đèn bị thổi tắt phụt. Khi sự sống rút về từ phân tử cuối cùng trong não, mọi khả năng cảm nhận, quan năng suy nghĩ và ý chí tiêu tan, tóm tắt là mọi quan năng không cố hữu trong vật chất hay do vật chất thủ đắc được, trong một phút chốc khi ấy. Huyễn thể Mayavi rupa của họ có thể hiện ra như những trường hợp hiện hình sau khi chết, nhưng trừ phi nó được phóng ra nhờ hiểu biết hay do ước ao mạnh mẽ từ não bộ sắp chết phát ra, muốn thấy hay xuất hiện cho ai khác thấy, hình bóng hiện ra chỉ tự động mà có; nó không do thu hút nào vì thiện cảm, hay do sự chủ ý, và không gì hơn sự phản chiếu của người vô tình đi ngang trước gương xẩy ra không vì ước muốn của họ.
… Về cái chết do tai nạn, linh hồn tốt lành và trong sạch hoặc ngủ mê đầy mộng đẹp, hoặc ngủ say không mộng mị cho tới giờ khắc điểm. Nếu suy nghĩ một chút và để ý tới sự công bình vĩnh cửu và sự điều hòa của mọi vật bạn sẽ thấy vì sao như thế. Nạn nhân dù tốt hay xấu đều không có trách nhiệm về cái chết của họ, ngay cả khi cái chết ấy là do hành vi từ kiếp trước; vắn tắt thì ấy là tác động của Luật Bù Trừ, mà dù vậy nó không phải là hệ quả trực tiếp của hành vi phàm ngã cố tình phạm phải trong kiếp họ bị tử thương. Nếu được cho sống lâu hơn không chừng họ có thể trả hết nợ của kiếp trước và thoát khỏi sự trừng phạt của Luật Bù Trừ.
Các vị Dhyan Chohan không can dự vào việc hướng dẫn người sống, mà bảo vệ nạn nhân bất lực khi họ bị đẩy ra khỏi thân xác một cách dữ dằn, trước khi họ khôn lớn, trưởng thành và sẵn sàng cho việc ấy. Chúng tôi cho bạn hay những gì chúng tôi biết, vì chúng tôi phải học nó bằng kinh nghiệm riêng. … Tôi Không Thể Nói Thêm Được Nữa ! Phải, nạn nhân sẽ ngủ một giấc ngủ ngon hay không ngon, và chỉ thức dậy vào lúc linh hồn sắp bước vào Devachan, mà nếu công đức quá ít không thể vào được cõi Devachan khi ấy linh hồn sẽ phải tái sinh trở lại cõi trần hoặc trên trái đất này hay hành tinh nào khác. Như thế không một trường hợp nào, ngoại trừ ai tự tử và những vỏ, có thể có việc linh hồn bị thu hút tới những buổi cầu hồn. Và chuyện rõ ràng là trong khi có rất nhiều ‘vỏ’ thì lại có rất ít linh hồn (trong những buổi cầu hồn).
…Công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ không thể nào chấp nhận quan điểm của chúng tôi. Quan điểm đó nói rằng có rất ít người chết sớm do những ‘tật xấu’ của họ.  Ấy chỉ là do ảo ảnh Maya tạo ra. ‘Tật xấu’ không thoát được sự trừng phạt cho nó, nhưng điều sẽ bị trừng phạt là nguyên do mà không phải hậu quả, nhất là hậu quả không thấy trước được tuy có thể xẩy ra. Ta cũng có thể gọi là tự tử ai chết trong trận bão ngoài khơi, hay ai làm mình chết vì nghiên cứu quá độ. Nước có thể làm người ta chết đuối, và làm việc nhiều quá bằng đầu óc cũng khiến não bộ suy yếu và người ta qua đời. Nếu như vậy thì không ai nên băng qua sông, cũng không nên tắm để tránh bị bất tỉnh trong nước và chết chìm trong đó (chuyện như vậy đã xẩy ra); cũng như người ta không nên làm bổn phận của mình, và lại càng không nên hy sinh thân mình cho công cuộc đáng khen và có lợi ích to tát như đa số chúng ta làm mà HPB là một.
Liệu ông Hume có cho là bà tự tử chăng nếu bà ngã lăn ra chết vì công việc hiện thời của bà ?Động cơ là tất cả và con người bị trừng phạt trong trường hợp có trách nhiệm trực tiếp mà không bao giờ khác hơn. Trong trường hợp người chết vì tai nạn, giờ khắc qua đời của nạn nhân được dự tính do tai nạn, còn với ai tự tử, cái chết được chủ ý gây ra với sự hiểu biết trọn vẹn và chủ tâm về kết quả ngay lập tức. Như vậy ai gây ra cái chết của mình trong một giây phút điên cuồng tạm thời thì không phải là tự tử, điều sẽ khiến công ty bảo hiểm nhân thọ buồn lòng; người này cũng không là con mồi cho những cám dỗ nơi Kama Loka mà thiếp ngủ như bất cứ nạn nhân nào khác… Với ai qua đời vì bệnh này hay kia, họ sẽ không đau ốm nếu trong người không có sẵn mầm bẩm sinh để mắc bệnh như vậy.
Thế thì, này huynh đệ của tôi, đa số những hiện tượng vật chất của người thông linh học không phải do các linh hồn làm ra mà do ‘vỏ’.
Thư ông Hume có câu hỏi:
– Tại sao linh hồn người trung bình tốt lành chết một cách tự nhiên không thể tiếp xúc (với người sống) ?
Thư Chân sư trả lời.
… Linh hồn của người trung bình tốt lành chết một cách tự nhiên …sẽ ở trong bầu không khí của trái đất từ vài ngày tới vài năm, sự dài ngắn tùy thuộc vào việc họ sẵn sàng gặp những tạo tác của mình hay chưa; đây là đề tài rất khó hiểu mà bạn sẽ họcsau này, khi bạn cũng sẵn sàng hơn.  Nhưng tại sao họ cần phải tiếp xúc ? Không phải những ai mà bạn thương yêu tiếp xúc với bạn trong lúc họ ngủ sao ?Trong lúc nguy ngập, hay khi có thiện cảm nồng nàn, tư tưởng các bạn rung động đồng nhịp và có thể tiếp xúc với nhau. Do đó, có sự đồng ghi lại trong trí não các bạn; nhưng ấy là do hai bạn còn sống mà không phải là xác chết. Nhưng làm sao một thể trí chưa thức tỉnh (sau khi thể xác chết rồi) có thể gây ấn tượng hay tiếp xúc với sinh vật sống động trừ phi nó thành vỏ ? Nếu vì lý do nào mà họ ở trong trạng thái dật dờ như vậy nhiều năm, linh hồn người sống có thể đến với họ như đã nói cho bạn hay, và điều này xẩy ra dễ hơn so với khi trong cõi Devachan, nơi mà linh hồn quá chìm đắm vào niềm hoan lạc riêng tư và không để ý mấy tới ai xâm nhập vào cõi của nó. Tôi nói, họ không làm được.

Thư 71 - Nhận 12 - 8 - 1882.
Bức thư này ngắn, nói thêm về tình trạng sau khi chết của ai tự tử:
– Trong những trường hợp ngoại lệ, ai tự tử có thể tiếp xúc với ai còn sống qua người đồng nhưng ai khác (thí dụ ai chết vì tai nạn) thì không. Người tốt lành, trong sạch ngủ lặng lẽ bình an, đầy hình ảnh vui vẻ của cuộc sống cõi trần và không biết là đã tách biệt hẳn với cuộc đời ấy. Ai không tốt không xấu sẽ ngủ giấc ngủ không mộng mị, lặng lẽ; còn người xấu thì tùy theo mức độ trọng trược của mình mà sống trong ác mộng kéo dài nhiều năm; tư tưởng họ trở thành vật sống động, cảm xúc xấu xa thành vật chất thật và họ nhận trở lại trong đầu trọn sự khổ sở mà họ đã chồng chất lên người khác. Thực tại và dữ kiện nếu tả ra sẽ cho một Inferno - địa ngục ghê gớm hơn Dante đã tưởng tượng.

Thư 72 - Nhận 13 - 8 - 1882.
Thư bàn về các nguyên lý của con người như Atma, bồ đề tâm, trí tuệ v.v., và trích dẫn kinh Phật lẫn triết lý Hy Lạp để mô tả ý ngài. Theo kinh Phật:
– Các con phải loại bỏ hoàn toàn mọi chuyện vô thường tạo nên cơ thể để cơ thể thành thường hằng. Điều vô thường (ba thể thấp) không hề hòa với điều thường hằng (ba thể cao) tuy cả hai là một. Nhưng chỉ khi nào trọn sắc tướng bên ngoài tan biến hết thì sẽ còn lại một nguyên lý sống hiện hữu độc lập với mọi hình tướng bên ngoài. Nó là ngọn lửa cháy trong ánh sáng vĩnh cửu khi nhiên liệu đã cạn và tia lửa đã tắt; vì ngọn lửa ấy không nằm trong tia lửa hay nhiên liệu, không ở bên trong hai vật này mà ở trên, ở dưới và cùng khắp (Parinirvana Sutra kuan XXXIX)….

Thư 73 và 74 - Nhận tháng 8 - 1882.
Hai thư liên quan đến ông Hume với thư 74 kèm trong thư 73. Thư 73 viết.
– Xin thứ lỗi là tôi làm phiền bạn vì chuyện của tôi. Nhưng tôi bị ngài Văn Minh  bắt buộc phải trả lời cho ông Hume, mà tôi không biết làm vậy là có đúng theo phép lịch sự của người phương tây hay chăng. Tôi có bức thư dài (thư 74) phải viết cho bạn về một điều làm tôi bận tâm, và muốn xin lời khuyên của bạn. Tôi ở trong vị thế rất khó nghĩ, giữa rủi ro phải bộc lộ chuyện của một người bạn và nguyên tắc danh dự của các bạn…
Ngài xin ông đọc bức thư kèm dài hơn (thư  74)  viết cho ông Hume để nếu thấy hợp thì gửi nó cho ông Hume bằng bưu điện, hay hủy bỏ nếu thấy không hợp. Ngài cho hay sẽ viết thêm vào ngày mai để cho hay trọn vẹn sự việc, ấy là thư 75 mà ta sẽ xem sau hai thư này.
Thư 74 có một số đoạn nói về chuyện riêng tư của ông Hume nên ta sẽ bỏ qua các chi tiết đó. Ngoài ra thư có nhiều điểm quan trọng và rõ ràng về quan điểm của các Mahatma với việc làm đệ tử, và thái độ của ai ao ước được vậy; dưới đây ta sẽ trích dẫn những đoạn liên quan đến hai điều ấy. Thư viết:
– …Đã tới lúc tôi cần phải nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với bạn… Nếu bạn muốn chúng ta làm việc chung với nhau thì ta phải làm vậy trên căn bản được hiểu rõ ràng. Bạn hoàn toàn có tự do nói với chúng tôi - vì xem ra bạn thành thật tin như thế - là đa số chúng tôi, do màn bí ẩn bao quanh chúng tôi, được tiếng là biết chuyện mà thực ra chúng tôi không biết; còn tôi cũng được phép xử sự y như bạn, là cho bạn hay điều gì tôi nghĩ về bạn… Chuyện sẽ tuyệt đối vô dụng cho bất cứ ai trong chúng ta mất thì giờ để trao đổi thư từ và tranh cãi trừ phi bạn chịu hứa như thế. Tốt hơn … nên chờ tới khi hoặc bạn biết phân biện điều chân với điều giả nhiều hơn bạn biết lúc này, hoặc chúng tôi bị xem chỉ như là kẻ mạo danh (hoặc tệ hơn nữa chỉ là vong hồn nói dối), hoặc chót hết có ai trong chúng tôi chứng tỏ sự hiện hữu của chúng tôi bằng cách đích thân tới gặp bạn hay ông Sinnett mà không phải ở cõi tình cảm, vì làm vậy chỉ tăng cường thêm cho thuyết [chúng tôi là] ‘Vong hồn’.
(còn tiếp)